Cách trồng dâu tây trong chậu bằng phương pháp hữu cơ hiệu quả

Mỗi năm, đến tháng 10-11 khí hậu mát mẻ, cũng là lúc những tín đồ của dâu tây chuẩn bị trồng những lứa dâu tây mới để có những quả dâu tây ngọt ngào cho con mình nhâm nhi thưởng thức.
Cách trồng dâu tây trong chậu cũng đơn giản, quan trọng là bạn chọn giống phù hợp với điều kiện khí hậu nơi mình sống. Giống chuẩn và đất chuẩn sẽ giúp bạn có những vụ dâu tây bội thu quả.
Chọn giống dâu tây
Nếu bạn sống nơi khí hậu nóng quanh năm thì nên chọn giống Hana Nhật chịu nhiệt, sẽ cho kết quả tốt hơn những dòng dâu tây khác.
Chọn giống cấy mô thì cho quả muộn hơn nhưng cây bền hơn. Nếu chọn giống cấy mô, bạn nên trồng tầm tháng 8-9 âm lịch, vì đến tháng 3-4 năm sau, nắng nóng khiến dâu tây không còn cho quả nữa.
Nếu chọn giống chiết từ ngó (cây con sinh ra từ cây mẹ) thì cây nhanh có quả hơn. Bạn trồng vào tháng 9-10 là được. Giống ngó nên chọn loại bầu đất đỏ, rễ sẽ khỏe hơn so với bầu xơ dừa.
Trong bài viết này, Quân Đà Nẵng chia sẻ bạn cách trồng dâu tây Hana Nhật chịu nhiệt từ ngó bầu đất đỏ. Nếu bạn cần giống có thể liên hệ Quân Đà Nẵng hay Quân Hòa Xuân nhé!

Ngó dâu tây bầu đất đỏ rễ khỏe

Chuẩn bị đất trồng dâu tây
Đất trồng bạn trộn theo tỷ lệ sau: 1/4 đất cũ đã trồng các lứa rau trước, 1/4 phân trùn quế, 1/4 xơ dừa hoai mục, 1/4 trấu hun nguyên hạt. Trộn đều với trichoderma, ủ trong 10 ngày cho sạch mầm bệnh rồi trồng dâu tây.
Nếu dùng đất công ty, thì trộn đất trồng rau Nông Phố và đất trồng rau Tribat theo tỷ lệ 1:1, cùng với phân trùn quế còn con trùn theo tỷ lệ 1 bao phân trùn quế 15kg/1 khối đất trồng. Bạn có thể xem thêm bài viết cách cải tạo đất trồng rau hữu cơ để rõ thêm.

Chuẩn bị đất trồng dâu tây

Chuẩn bị chậu trồng dâu tây
Chậu trồng dâu tây bạn chọn loại miệng rộng, cao từ 20cm trở lên để trồng 1 cây dâu tây. Có thể dùng chậu treo cho đẹp hoặc chậu nhựa đen C7 đều được.
Chậu trồng càng to thì dâu tây càng khỏe, vì dâu tây có rễ chùm phát triển rộng. Chậu rộng còn tạo không gian để bạn đặt ngó chiết sau này.

Chậu trồng dâu tây rộng cao từ 20cm trở lên

Cách trồng dâu tây giai đoạn 1-3 tháng
Giai đoạn này dâu tây chủ yếu phát triển thân lá và ngó. Bạn chỉ việc tưới nước đều đặn vào mỗi buổi sáng. Ngày nào nắng quá thì tưới thêm buổi chiều, không nên tưới nhiều nước vào buổi tối vì dễ sinh nấm bệnh.
Khi phát triển, dâu tây ra nhiều ngó con. Bạn chọn những ngó khỏe mạnh tầm 2-3 cây, ghim ngó vào chậu nhỏ để ra rễ. Sau khoảng 15-20 ngày, đủ rễ thì cắt cuống, nuôi thành cây mới.
Lưu ý: Chỉ nên nuôi 2-3 ngó con trên 1 cây mẹ, vì nếu nuôi nhiều ngó thì cây mẹ sẽ yếu hoặc sau này cho quả ít. Những ngó nhỏ, yếu nên cắt bỏ.

Mỗi cây mẹ nên nuôi từ 2-3 ngó con

Cách trồng dâu tây giai đoạn ra hoa, kết quả
Khi cây dâu tây có những hoa đầu tiên, bạn nên cắt hết những ngó con để trồng riêng, giúp cây mẹ tập trung nuôi quả.
Tỉa bớt lá già ở tầm thấp sát đất để phòng nấm bệnh và để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả to hơn.
Mỗi chùm hoa khi đậu quả chỉ nên để lại 3-4 hoa có quả to. Những cuống hoa có quả nhỏ thì cắt bỏ để quả sau này được to hơn.
Khi tưới nước, chỉ nên tưới quanh gốc, không tưới lên hoa và quả vì sẽ dễ gây thối quả.
Đặt chậu dâu tây ở nơi có nhiều ánh nắng buổi sáng. Tránh ánh nắng buổi chiều và hạn chế mưa trực tiếp lên chậu.
Nếu muốn có những quả dâu tây hình cánh quạt to, bạn có thể dùng cọ quét chéo phấn ở những hoa dâu tây với nhau. Thụ phấn chéo dễ sinh ra quả dâu tây hình cánh quạt.

Thụ phấn chéo dễ thu được quả dâu tây hình quạt hình trái tim

Cách trồng dâu tây giai đoạn quả gần chín
Khi quả dâu tây lớn, vẫn còn xanh cho đến lúc chín đỏ, bạn dùng túi vải có ánh sáng xuyên qua được để bọc quả, phòng chim và dơi ăn quả.
Quả gần chín, bạn pha dịch chuối, trứng, sữa theo tỷ lệ 10ml/1 lít nước, tưới đều vào các chậu dâu tây. Mỗi chậu khoảng nửa lít dung dịch, 1 tuần tưới 1 lần để quả ngọt ngào hơn.

Bọc quả phòng chim và dơi ăn quả dâu tây

Phòng bệnh dâu tây
Đất trồng cần xử lý kỹ để sạch sùng đất, nấm bệnh vì dâu tây rất mẫn cảm với nấm. Tốt nhất là nên dùng đất công ty đã xử lý kỹ để trồng.
Trồng thêm vào mỗi chậu dâu tây 1 cụm hành giúp xua đuổi côn trùng gây hại sâu trĩ và hành cũng phòng héo xanh ở dâu tây hiệu quả.
Vào những ngày mưa và nắng lại, dâu tây rất dễ bị héo xanh vì sốc nhiệt. Bạn có thể pha 10g trichoderma với 1 lít nước, tưới đều quanh gốc để phòng héo xanh.

Hạn chế xới đất khi trồng dâu tây vì dễ gây tổn thương rễ. Bạn nên bón phân trùn quế còn con trùn lúc chuẩn bị đất. Những con trùn sẽ di chuyển trong chậu, giúp đất tơi xốp.

Trên là những chia sẻ của Quân Đà Nẵng về cách trồng dâu tây trong chậu theo hướng hữu cơ tại nhà. Nếu có câu hỏi gì, hãy để lại bên dưới bình luận, mình sẽ giải đáp thêm!

Nếu bạn muốn thiết kế vườn rau trên sân thượng hãy liên hệ Quân Hòa Xuân hoặc Quân Đà Nẵng mình sẽ gửi bạn các mẫu thiết kế vườn rau đẹp và có nhận thi công theo yêu cầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *